Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Hà nội Băm sáu


Tối qua cả nhà lại làm chuyến đi bộ lang thang quanh khu phố cổ. Dọc Hàng Mắm, Hàng Bạc rẽ sang Hàng Đào, vòng lại Hàng Buồm, Hàng Giầy, Mã Mây, Hàng Bạc. Nhiều điều buồn trong “Hà nội Băm sáu phố phường” của Thạch Lam vẫn còn nguyên và có phần thêm cái mà Thạch Lam không nói tới là rác. Không biết rác lúc đó có bị “sỗ sàng” “khinh rẻ”, phải nằm vương vãi dọc vỉa hè hay cạnh các thùng rác đẹp to đùng như hôm nay? Các cửa hàng buôn bán tuy được trang hoàng bằng nhiều thứ ánh sáng điện hay biển hiệu cắt chữ vi tính cầu kỳ, nhưng xem ra không có vẻ lộng lẫy như Thạch Lam mô tả, chưa kể còn thấy xen vào các quán nước nhỏ “xập xệ” với vài món đồ rẻ tiền (nước chè, kẹo cao su, mực nướng) có người chủ ngồi lầm lũi, nép vào bên cạnh ngõ nhỏ sâu tối hay bên bờ tường xam xám.

Dọc một đoạn Hàng Đào, không thấy bất kỳ “con thú hiền lành” nào của Thạch Lam nữa. Trong câu chuyện với anh bán giầy năm xưa, nay đã bán quần áo, có nhắc đến bà Bô, một chứng nhân đặc biệt của Hàng Ngang, Hàng Đào. “Cũng xong rồi”,...”Bị lừa”,…

Quán “Chí Mà Phù” nổi tiếng của nghệ sỹ hài Phạm Bằng trông khiêm tốn lẫn vào con phố nhỏ, tấp nập. Nhưng nhìn kỹ thấy ngay được sự đắt hàng ghê gớm. Dải ghế nhựa nhỏ trải dài từ trong ngõ (và chính là quán) ra suốt vỉa hè bên ngoài với trai thanh nữ tú đang lúi húi, say mê với bát với thìa trên tay. Phạm Bằng trông nhẵn nhụi, gọn gàng đứng ngay ngoài vỉa hè, ra chừng đón khách, nhưng nụ cười, hình như, đã bị bỏ lại trên sàn diễn. Người phụ nữ trạc tuổi trên 30, nhỏ nhắn và trông cũng hơi nền nã đứng thu tiền và cũng là người xếp chỗ cho khách, dường như coi khách đến ăn là chuyện đương nhiên nên không cần phải đon đả hay tỏ ra welcome, nhưng cũng sẵn sàng chỉ dẫn cho khách bằng buông những câu ngắn ngủn, không cần chủ ngữ, “ngồi đây”, “hết trôi rồi”. Đi sâu vào trong quán mới thấy được “mặt sau” (“mặt thật”?) của cuộc sống vẫn còn quá lam lũ, nhếch nhác. Một cái nền ngõ gạch ẩm ướt, có khoảng trời riêng trên một sân chung, nhưng nhìn lên và xung quanh thấy sự tối tăm, cũ nát hiện rõ. Những ống nước bắc thêm, bồn nước nằm bụi bặm, người rửa bát ngồi giữa các chậu bát, xô nước to sụ, đang lần mò trong một chậu nhựa to, nước trong đó có mầu đục rất khó tả nhưng sự nhớt nhát như cảm thấy ngay trên tay mình. Chắc nước ở đây vẫn là thứ hiếm? Một điểm ấn tượng là ở trên mái quán (mái ngõ) có một cây si khá to, chơi vơi, gốc rễ đang cố bám miết vào mặt bức tường ở trên cao, nhưng cành lá vẫn xanh um, tỏa ra xung quanh và các chùm rễ khí vẫn ngạo nghễ thõng xuống.

Trở về gặp cuốn sách của NXB Thông Tấn “Chuyện của thời bao cấp”, với những câu chuyện về thời “ngăn sông cấm chợ”, lật qua thấy những cảnh khổ sở, vô lý được kể với một giọng tưng tửng. Nhìn qua thấy nhiều tác giả là người đã có đóng góp để duy trì thời kỳ khốn khổ đó. Kỳ cục nhất là lời giới thiệu có những câu đại ý như “Mặc dù khó khăn như thế nhưng nhân dân ta vẫn vượt qua được” và “Thế hệ trẻ cần phải biết trân trọng và sống xứng đáng với sự hy sinh của lớp cha anh”.

Nhìn ra ngoài thấy một chiếc BMW 2.0 đỗ xịch trước vỉa hè, thanh niên ngồi sau tay lái mở cửa bước ra chỉ với chiếc quần đùi và áo T-shirt.

Nhiều cái khổ, cái thiếu thốn của xã hội trước đây đã mất. Nhưng những thói thô thiển, xuề xòa, hợm hĩnh, ngông nghênh, cam chịu, ngờ nghệch và lừa mỵ vẫn tỏ ra còn nhiều và nặng lắm.

30/10/2009

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Chúc mừng Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn !

Giữ vững được ý chí và niềm tin cá nhân vào lý tưởng khi ở trong tù luôn là một thách thức hết sức lớn, và đặc biệt khó hơn khi nền tảng đạo đức của xã hội đã bị mục từ lâu và còn đang bị lật xuống. Sự khó khăn còn lớn hơn nữa khi cả một tập thể đấu tranh cùng lúc bị lâm nạn và (chắc) đã phải xem sự chao đảo, ngã lòng của nhiều người cùng chí hướng.

« Cách mạng » là một từ luôn gợi lên sự lớn lao và thiêng liêng, nhưng người dấn thân trên con đường cách mạng không phải là thánh thần.

Các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội cũng chỉ là những con người, và có thể còn có nhiều điểm yếu và khiếm khuyết. Nhưng, sự thể hiện của các anh trong các phiên tòa sơ thẩm vừa qua đã cho thấy một khí phách cần có của người làm cách mạng. Thật trân trọng và xúc động!

Các phiên tòa sơ thẩm dành cho các anh đã khép lại. Sự bất công của tòa án đã được thể hiện một phần qua chính tiếng kêu ai oán từ một số người vợ lam lũ của các anh là: « tàn bạo », « dã man », « quá đáng ».

Có Tiến bộ nào, có Tự do nào không cần phải gắng sức, hy sinh ?

«Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai ?» (1)

Những người làm việc thiện nguyện cho cộng đồng luôn hiểu điều đó và tin rằng, tự hào rằng họ đang góp một phần (rất) nhỏ bé cho tiến bộ của xã hội mai sau. Trong xã hội tiến bộ đó sẽ có thế hệ con cháu của riêng họ và của cả những người, ngày hôm nay, đang bức hại họ.

Xin nghiêng mình chúc mừng các anh và gia đình các anh. Và mừng thêm cho cả xã hội.

Phạm Hồng Sơn
10/10/2009

(Một ngày sau loạt phiên tòa sơ thẩm tại Hà nội và Hải phòng dành cho Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội và Vũ Hùng)





(1) Lời trong bài hát "Một rừng cây, một đời người" của Trần Long Ẩn

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Hy vọng cho những phiên tòa đau lòng

Không biết trong những phiên tòa tới đây dành cho các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Vũ Hùng và Phạm Văn Trội, các thẩm phán sẽ xử trí ra sao để luận tội những bị cáo này?

Không lẽ các thẩm phán lại chất vấn các bị cáo với các câu hỏi như thế này:

- Đề nghị bị cáo cho biết động cơ nào đã đẩy bị cáo đi đến chỗ đưa ra lời kêu gọi “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam.” trong khi nước bạn Trung quốc đang ráo riết thôn tính, chiếm giữ từng tấc đất, hòn đảo của chúng ta?

- Yêu cầu bị cáo phải thành khẩn cho biết ai đã xúi giục bị cáo trương khẩu hiệu “Kiên quyết đấu tranh tiêu diệt bọn tham nhũng!”, trong khi nhân dân đang rất bất bình về cách xử lý các vụ án như PCI hay PMU 18 hay Đề án 112?

- Bị cáo phải khai rõ tại sao lại đi treo khẩu hiệu “Yêu cầu ĐCSVN chấp nhận đa nguyên, đa đảng” giữa chốn đông người, trong tình hình các cụ lão thành cách mạng đang hết sức bức xúc về sự suy đồi của Đảng? (1)

Không phải chỉ có thời nay những người yêu nước Việt Nam mới bị đọa đày, xử phạt. Lịch sử Việt Nam đã cho thấy mỗi khi chủ quyền đất nước bị khống chế hoặc bị rơi hoàn toàn vào tay lực lượng ngoại bang hoặc những thế lực phản động, những người yêu nước bất khuất thường phải trở thành những tội đồ trước sự phán xét của những người đồng bào phải làm việc với giặc hoặc cố ý làm tay sai cho giặc. Nhưng, không phải bất cứ ai cộng tác với giặc, làm việc với giặc cũng có cùng một dã tâm với giặc. Tạp chí Xưa & Nay cũng vừa có bài nhắc lại lòng yêu nước, thương nòi của một đại thần triều Nguyễn đã khôn khéo và quyết đoán ủng hộ và cứu được mạng sống của một người yêu nước có tên là Phan Châu Trinh, trước sức ép đòi “trảm quyết” (tức “chém ngay”) của tên quan đô hộ Khâm sứ Pháp Lévecque.(2)

Những người sắp ra tòa trong những ngày tới có thể không có sự sang trọng như nhiều người khác hoặc không thể sánh được tầm vóc của chí sỹ yêu nước tiền bối Phan Châu Trinh. Nhưng chắc chắn, những hành động quả cảm vì đất nước của họ là điều không còn nghi ngờ.

Chủ nghĩa dân tộc mù quáng là điều cần phải tránh, ngay cả khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng trong những phiên tòa sắp tới, hy vọng vẫn sẽ có những con người nhớ đến một truyền thống nhân văn của người Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Sức ép của các thế lực đen tối, có thể rất ghê gớm, nhưng hy vọng , sẽ phải lùi lại trước sức mạnh của tình đồng bào và lòng yêu nước.

Phạm Hồng Sơn
05/10/2009

(02 ngày trước các phiên tòa xử các anh Vũ Hùng, Phạm Văn Trội, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn.)

(1)Những chữ trong ngoặc “ “ viết nghiêng là trích từ bản kết luận điều tra (BỘ CÔNG AN-CƠ QUAN NĐT Số 17 / KLĐT, ngày 17/05/2009)
(2) Nguyễn Hồng Trân, Ý thức và tinh thần đối nhân xử thế của Thượng thư Lê Trinh, Xưa & Nay, số 339, tháng 09/2009

Bắt chước chưa hẳn đã xấu


(Vài suy nghĩ sau bài viết «Can Chinese Model be replicated ? » của Nhân dân Nhật báo online )(1)

Trong ngôn ngữ Việt Nam, từ « bắt chước » hay « học mót » (sau đây xin gọi chung là « bắt chước ») thường được dùng để chê bai một đối tượng áp dụng những kỹ năng, kiến thức của người khác một cách máy móc hay không có hệ thống. Nhưng, trên thực tế, để xác định rõ việc áp dụng đó có « máy móc » hay « không có hệ thống » và mức độ của nó đến mức nào luôn là việc không hoàn toàn dễ dàng. Vả lại, trong nghĩa nguyên thủy của từ « bắt chước » hay « học mót » đã mang trong nó một ý nghĩa tích cực là học lại từ người khác. Xét từ cuộc sống và các nghiên cứu khoa học hiện tại, khả năng học lại từ môi trường xung quanh hay khả năng bắt chước từ các các đối tượng khách quan khác là một đặc tính cơ bản không chỉ có ý nghĩa sống còn mà còn là nhân tố cho sự phát triển của giới động vật nói chung và loài người nói riêng. Đối với thế giới loài người việc học lại của nhau, bắt chước nhau từ phạm vi giữa các cá nhân cho đến các tổ chức hay các quốc gia, dân tộc là điều đã quá rõ ràng không cần phải chứng minh. Do đó « Bắt chước » không phải là một đặc tính cá biệt của cá nhân nào, dân tộc nào và cũng không thể cấm được tuyệt đối người khác « bắt chước » (ngay như các luật về bản quyền tác giả hay các phát minh khoa học cũng chỉ có thời hạn nhất định).

Do đó một sự chê bai bằng từ « bắt chước » chưa thể nói lên người bị chê bai có thực sự là kém cỏi hay không. Vấn đề quan trọng hơn và là điều chính yếu là sự « bắt chước » đó đã mang lại những lợi ích gì hay hậu quả gì cho cá nhân, tổ chức hay quốc gia, dân tộc. Nếu lợi ích cá nhân, lợi ích dân tộc được củng cố và phát triển thì dù có bị chê là « bắt chước » hay bị dèm pha như thế nào chăng nữa chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn được khen là « sáng tạo », « đổi mới » nhưng kết quả thực tế lại ngược lại. Và điều cần nói hơn nữa là một cá nhân được toàn quyền quyết định « bắt chước » hay không « bắt chước » điều gì trong cuộc sống cá nhân, thì không một cá nhân hay tổ chức đảng phải nào được toàn quyền quyết định « bắt chước » hay không « bắt chước » bất kỳ vấn đề gì cho chính sách quốc gia hay mô hình phát triển cho dân tộc.

Tinh thần dân tộc thường rất dễ bị tổn thương khi bị nhận xét là « bắt chước », « sao chép » hay « phải biết ơn ». Nhưng nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ cảm thấy vui vì một câu chê như thế không thể hạ thấp được danh dự hay thực lực của chúng ta mà đó là cơ hội để hiểu rõ hơn sự tử tế, sự chân thành của « đối tác » (hay « đồng chí ») và là lời nhắc để xem lại những điều học hỏi hay không học hỏi cho chính sách quốc gia trong thời gian đã qua có đúng đắn, có lợi và có được chấp nhận của dân chúng hay không ? Chẳng phải lịch sử Việt Nam cận đại đã cho thấy dân tộc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển khi người cầm quyền từ chối « bắt chước » người ngoài hay đã phải chịu nhiều « sai lầm » khi người cầm quyền dứt khoát « học » theo các « nước anh em » ?

Tập trung vào việc xem lại những gì cần học hỏi (kể cả từ người phê phán, xúc phạm mình) hay không cần học có lẽ sẽ có lợi hơn thay vì tự ái hay cố tìm cách để chứng minh chúng ta đã « không bắt chước ». Mang điều tệ hại cho dân tộc rõ ràng là có lỗi lớn. Nhưng, lảng tránh hay cấm « bắt chước » điều có lợi cho dân tộc cũng có lỗi không nhỏ hơn.

Phạm Hồng Sơn
23/09/2009

(1) Bài viết không có tác giả trên cơ quan ngôn luận online của Đảng CS Trung Quốc phiên bản tiếng Anh http://english.peopledaily.com.cn/90001/90780/91342/6761416.html. Bài viết đã được nhiều người Việt Nam dịch ra tiếng Việt: Liệu hình mẫu Trung Quốc có thể được lặp lại hay không? http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4150 Hình mẫu Trung Hoa có thể sao chép được không? http://bauxitevietnam.info/c/9894.html Bắc Kinh khen Hà Nội 'bắt chước giỏi'
Phải 'thực sự nhớ ơn mô hình Trung Quốc'
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101482&z=1