Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Giới tiến bộ Trung Quốc quá ư thận trọng?


Ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng đương nhiệm của Trung Quốc, khoảng một năm trở lại đây đã có những phát biểu công khai làm xôn xao dư luận tiến bộ trong và ngoài nước.

Ngày 14/03/2011, trong cuộc họp báo quốc tế nhân kết thúc một kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã dõng dạc khẳng định: “Không có cải cách chính trị thì cải cách kinh tế không thể thành công và các thành quả kinh tế chúng ta đã đạt được có thể sẽ mất hết.”

Cũng trong cuộc họp báo đó, ông Ôn Gia Bảo còn kêu gọi phải để cho người dân trực tiếp đi bầu để chọn ra người lãnh đạo và để “người dân có quyền giám sát và phê phán chính phủ.”

Gần đây nhất, ngày 14/09/2011, trong Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới (World Economic Forum) tổ chức ngay tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo lại đưa ra những lời kêu gọi cải cách rất mạnh mẽ: “Nhiệm vụ khẩn cấp đối với đất nước (Trung Quốc) hiện nay là phải cải cách đảng (cộng sản) và hệ thống lãnh đạo quốc gia.” Ôn Gia Bảo cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất đối với một đảng nắm quyền là phải hành xử theo đúng qui định của hiến pháp và pháp luật, do đó “đảng nắm quyền không được đại diện cho nhà nước và không được nắm quyền một cách tuyệt đối và phải thay đổi sự tập trung quyền lực thái quá.”, “vì vậy cải cách hệ thống quyền lực của đảng và hệ thống lãnh đạo quốc gia là nhiệm vụ bắt buộc.”

Dưới góc độ dân chủ, những đề xuất cải cách của ông Ôn Gia Bảo là khá rõ ràng và cơ bản hơn rất nhiều những kêu gọi như đề xuất ra một bộ luật biểu tình và trong bối cảnh chính trị, xã hội hiện thời của Trung Quốc, đó là những phát biểu dũng cảm và hợp lòng dân. Nhưng phản ứng của giới đấu tranh và khát khao tiến bộ, dân chủ, nhân quyền cho Trung Quốc dường như không quan tâm tới những phát biểu đó. Họ gần như im lặng hoàn toàn, không thấy có những biểu hiện cổ vũ, kêu gọi xiển dương rầm rộ cho những lời kêu gọi đó.

Rất có thể giới đấu tranh cho tiến bộ Trung Quốc chỉ là những người bảo thủ và rụt rè. Nhưng cũng rất có thể họ đang phải vất vả, chú tâm kiếm tìm những nhân quyền, những tiến bộ khiêm tốn hơn, khả thi hơn nhưng là nền tảng cho các tiến bộ khác nên chưa dám mơ và tin vào những lời kêu gọi cải cách to tát của ông Ôn Gia Bảo. Vì họ vẫn đang phải vất vả để vượt qua tường lửa để đến được với những con chữ như “dân chủ”, “Thiên An Môn”, “Liu Xiao Bo”,…Họ vẫn phải mạo hiểm đối mặt với nhà tù và sách nhiễu của chính những nhân viên công lực của ông Ôn Gia Bảo khi họ lên tiếng thay cho những nạn nhân của bất công, của HIV, của sữa có melamine, của động đất, của đường tàu cao tốc bị “rút ruột”.

Hay phải chăng tất cả giới tiến bộ Trung Quốc đều đã bị biến thành những người quá nghi kỵ, thận trọng đến mức không biết chào đón, khích lệ, cổ vũ những dấu hiệu thay đổi tiến bộ (thực sự?) trong tư duy của giới lãnh đạo? Họ đã quá ư thận trọng nên không theo kịp tốc độ cải cách của xã hội, của giới lãnh đạo? Họ đã thiếu tự tin? Khó ai có thể trả lời thấu đáo ngay cho những câu hỏi này. Nhưng, dù thế nào, quá thận trọng, thiếu tự tin hay cả tin và nóng vội đều là những điều không tốt cho cải cách.

Phạm Hồng Sơn
26/11/2011

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Vịnh Hạ Long, luật biểu tình, …và Hitler


Vịnh Hạ Long vừa được xếp (tạm thời) vào hạng bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới trong một cuộc bầu chọn mà những người nghiêm túc và yêu khoa học không thể tán thành. Nhưng nếu coi cuộc “bầu chọn vịnh Hạ Long” vừa qua như một phép thử để đánh giá khả năng huy động, khống chế dư luận của chính quyền và đánh giá mức độ tiến bộ về nhận thức xã hội của dân chúng thì có thể thấy chính quyền vẫn còn mạnh ở mức gần như có thể tuyệt đối áp đảo mọi ý kiến trái chiều và nhận thức xã hội đã có sự tiến bộ nhưng vẫn còn rất non yếu. Bằng chứng cho hai nhận định này là việc gần như toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng và các cơ quan đoàn thể, chính trị, xã hội, kinh doanh, nhiều nhân vật “thành đạt” về học vị, chính trị và kinh tế trong xã hội từ trung ương tới địa phương đều tích cực tham gia “bỏ phiếu” (nhắn tin) ủng hộ cho “bầu chọn vịnh Hạ Long”. Và nhận thức xã hội đã tiến bộ là nhiều người đã nhận ra ngay tính chất thiếu đứng đắn, phi khoa học của cuộc “bầu chọn vịnh Hạ Long”, đã công khai bày tỏ bức xúc, chỉ trích, phản đối. Nhưng số lượng những tiếng nói “chống” còn quá ít và yếu so với số “ủng hộ” và (đương nhiên) không thể ngăn chặn được một sự huy động sức lực vô cùng quí giá của xã hội cho một việc tuyệt đối không trung thực ở cấp độ quốc gia.

Vậy với một không gian xã hội rộng như thế, một số lượng người lớn, đa dạng và phức tạp như vậy mà những người cầm quyền vẫn còn lèo lái, khống chế, hướng được tư tưởng, suy nghĩ và hành động của đa số để ủng hộ một vấn đề kỳ cục như vậy thì trong các không gian hạn hẹp hơn, với số lượng người ít hơn nhiều và đã được chọn lọc kỹ như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Đồng Nhân dân, v.v thì khả năng khống chế tư tưởng, hành động của người cầm quyền chắc chắn cũng phải ít nhất, nói một cách hết sức thận trọng, là không thể kém hơn.

Như thế, với một chính quyền mà khả năng (và ý chí) khống chế tư tưởng, hành động của xã hội vẫn còn mạnh (vì còn kiểm soát gần như tuyệt đối các cơ quan thông tin, truyền thông, các lực lượng bảo vệ trật tự xã hội và pháp luật,…), cùng với một nhận thức tiến bộ nói chung của người dân vẫn còn ít (do bị chính quyền khống chế,...) và yếu (do rất thiếu các công cụ thể hiện như báo đài tư nhân hợp pháp, công khai,…) và hoàn toàn không có các phương tiện bảo vệ, hỗ trợ (tòa án, cảnh sát độc lập,…) thì mọi kết quả bầu chọn, đánh giá hay thậm chí cả trưng cầu dân ý (referendum) do chính quyền khởi xướng hay ủng hộ đều không thể tin cậy và (do đó) không nên trông chờ.

Vậy vấn đề đang “nóng” ở Quốc hội về việc tranh luận “nảy lửa” có nên đưa “Luật Biểu tình”, “Luật Hội” vào nghị trình của Quốc hội có xứng đáng được “nóng” lên trong dư luận như đang diễn ra hay không? Phải chăng đang có một chuyển đổi “dân chủ” thực sự trong Quốc hội? Hay đang có một ẩn ý nào muốn sắp đặt để hướng dư luận đến một hy vọng rằng cuối cùng Quốc hội cũng có một bước “tiến bộ” vượt bậc dám để cho các ý kiến đối lập được va chạm công khai, đáp ứng đúng khát khao đang muốn có thay đổi, muốn có “Luật Biểu tình” hay “Luật Hội” của nhiều người? Rồi có thể đa số của Quốc hội sẽ đưa vào nghị trình và thông qua các luật đó trong nay mai? Nhưng rồi thực tế sẽ cho thấy chính những “Luật Biểu tình” hay “Luật Hội” đó sẽ “trói”, “bắt” tất cả những ai muốn lập hội hay biểu tình thực sự? Tất nhiên, đến nay không ai có thể khẳng định “có” hay “không” cho những nghi vấn vừa nêu. Nhưng một khi ý kiến của các vị đại công thần còn bị hắt bỏ, những kiến nghị chính đáng của những người rất thân với Đảng còn không được hồi đáp hoặc người dân chỉ ngồi nói chuyện với nhau trong quán mà còn không được đảm bảo an toàn thì lấy gì để đảm bảo Đảng sẽ đồng ý cho Quốc hội thông qua những dự thảo luật đặt quyền lợi của dân lên hàng đầu? Và nếu như Quốc hội sẽ thông qua được những luật tiến bộ như thế thì người dân sẽ có phương tiện gì để bắt người nhà nước phải tuân thủ? Trong tình cảnh ngay cả mẹ đẻ (hiến pháp hiện thời) còn bị người ta khinh rẻ trăm điều thì sao có thể kỳ vọng những đứa con (các bộ luật) hay các bà mẹ khác (hiến pháp mới hoặc tu chính) sẽ được người ta tôn trọng, yêu mến?

Có thể nhiều người vẫn cảm thấy vui mừng và tự hào với danh hiệu “Top 7 Wonders” vừa có cho vịnh Hạ Long. Nhưng một danh hiệu thiếu trung thực không thể mang lại một sự yêu mến, tôn trọng. Có thể nhiều người đang thực sự hồi hộp và nóng lòng muốn có luật biểu tình, luật hội hay hiến pháp mới. Nhưng việc có luật biểu tình, luật hội hay thậm chí có một bản hiến pháp với tinh thần và những điều khoản rất dân chủ nhưng không gian trao đổi vẫn bị giới hạn, luồng thông tin và sự phản biện vẫn bị theo rõi và bóp nghẹt thì đó vẫn chỉ là điềm báo của lừa gạt, tai ương hơn là thiện ý, hạnh phúc. Loài người đã phải trả giá nhiều cho những âm mưu, vấp váp, ngộ nhận như thế. Luật thành văn hay hiến pháp dân chủ chưa phải là phương thuốc thiết yếu để ngăn chặn hay chữa trị độc tài mà có thể chính chúng còn tạo ra những chỗ núp đẹp và kín hơn cho những ý đồ thâm độc, những hành động tàn ác với con người. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh những năm 1953-1959 và chính thể Third Reich của Adolf Hitler những năm 1933-1939 là những minh họa rõ ràng cho những bài học đau đớn đó của nhân loại.

Phạm Hồng Sơn
18/11/2011

Giáo xứ Thái Hà và khát khao công lý


Hà Nội chắc chắn sẽ chẳng có những không gian xanh quí hiếm giữa lòng Thủ đô như Vườn hoa Hàng Trống và Vườn hoa 1-6 như hiện nay, nếu không có những đêm dài thắp nến trong mưa gió, giá rét, nếu không có những ngày tù, những giọt mồ hôi và hơn cả mồ hôi của hàng ngàn người Công giáo vào những năm 2007, 2008 tại phố Nhà Chung và Thái Hà. Nhưng ban đầu chắc không có nhiều người (ngoài Công giáo) quan tâm hay ủng hộ những đêm thắp nến đó vì nghĩ rằng những giáo dân của giáo xứ Thái Hà và người Công giáo đấu tranh với chính quyền về vấn đề sở hữu đất đai, nhà cửa chỉ nhằm cho mục đích tín ngưỡng riêng của người Công giáo. Hoặc ngay cả khi nhìn thấy những khẩu hiệu “Công lý và Sự thật” được giơ lên từ những bàn tay của người Công giáo, chắc cũng không có nhiều người tin vào mục đích cao đẹp đó. Tuy nhiên, sự nghi kỵ, hẹp hòi đó (nếu có thực) cũng là điều thường tình trong các xã hội đã phải sống lâu dưới một chế độ luôn kêu gọi “đấu tranh giai cấp” và coi “tôn giáo là thuốc phiện”.

Nhưng ngay cả khi người Công giáo đấu tranh chỉ nhằm để bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi (chính đáng) cho người Công giáo thì sự đấu tranh đó cũng đã mặc nhiên đóng góp cho việc bảo vệ hay lập lại Công lý cho tất cả mọi người. Vì xã hội loài người sẽ không thể có Công lý nếu không có người dám đấu tranh cho sự công bằng của chính bản thân mình. Sự đạt được Công lý của người này chính là tiềm năng Công lý cho mỗi người khác.

Cuối tháng Mười vừa qua các linh mục, tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà lại tiếp tục đề đạt nguyện vọng chính quyền phải trả lại cho Dòng Chúa Cứu thế (DCCT) Hà Nội một số bất động sản (tu viện và đất đai liên quan) đã bị Nhà nước “mượn”. Nhưng, đề đạt đó của Giáo xứ Thái Hà, cho đến nay, vẫn chỉ nhận được những phản hồi thiếu tích cực và rất thiếu văn minh từ phía chính quyền như “quần chúng tự phát”, ngày 03/11/2011, ùa vào nhà thờ Thái Hà với nhiều hành vi khiếm nhã, xúc phạm thánh thất, tu sĩ hay các bài viết, phóng sự thiếu trung thực, thiếu công bằng, nhân ái đối với Linh mục chánh xứ, tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà.
Dĩ nhiên trong một chế độ chính trị dù đã theo “kinh tế thị trường” nhưng vẫn còn kiên định “tiến lên CNXH” thì người cầm quyền vẫn chưa quen với những “yêu cầu, yêu sách” và khó chấp nhận phải trả lại tài sản “đã mượn” cho chủ sở hữu là dân thường hoặc tổ chức phi nhà nước. Nhưng chắc chắn tất cả những người cầm quyền hiện nay không bao giờ lại muốn người thân và con cái họ – những người đang là chủ sở hữu các bất động sản tại Mỹ, Pháp hay Thụy Sĩ, lại bị rơi vào tình cảnh của những cá nhân hay tổ chức như Giáo xứ Thái Hà hiện nay. Người ta có thể bất chấp Công lý khi có quyền hay quên mất phải đấu tranh mới có Công lý khi sống lâu trong kìm kẹp. Nhưng khát khao Công lý luôn thường trực trong mỗi con người.
Như vậy, hành trình đi tìm Công lý của Giáo xứ Thái Hà sẽ còn dài và có thể còn gặp nhiều hiểu lầm, khó khăn, khổ nạn. Nhưng chắc chắn hành trình đó không đơn độc. Vì Công lý đang là khát khao chung của mọi người Việt còn lương tri, dù là Công giáo, Phật giáo, cộng sản hay không cộng sản. Khát khao Công lý không chỉ là nhu cầu cá nhân mà còn đang là đòi hỏi bức thiết cho sự tồn vong của cả xã hội, dân tộc Việt. Như thế, đàn áp hay bất chấp Công lý vào lúc này chỉ làm cho khát khao Công lý càng khao khát, càng lan rộng và gắn kết thêm hơn.
Phạm Hồng Sơn

07/11/2011